Trà thực chất vốn là cách thức chiết, lấy các chất có lợi bên trong các loại hoa, thảo mộc bằng cách ngâm chúng trong môi trường nước nóng sau một khoảng thời gian nhất định. Và trà hoa cúc cũng vậy. Cũng giống như cách dùng các loại trà xanh thông thường, các thành phần trong hoa cúc phân tán ra nước nóng và sau đó được người dùng sử dụng.
Các thành phần có lợi cho sức khỏe bên trong hoa cúc như các bisabolol- có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, chống kích ứng, cải thiện sức khỏe làn da, các flavones…
Bên cạnh các loại trà xanh, trà sen,… trà hoa cúc cũng đã được sử dụng từ lâu đời, không chỉ bởi hương vị nhẹ nhàng, tinh tế mà còn bởi những tác dụng hữu ích đối với sức khỏe người sử dụng.
Trong hoa cúc chứa nhiều flavones, là một chất chống oxy hóa hiệu quả, giúp làm giảm huyết áp, giảm cholesterol, hỗ trợ làm giảm các cơn đau thắt ngực và làm dịu bớt các cơn đau ngực có nguyên nhân bệnh động mạch vành.
Hoa cúc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Do đó, sử dụng trà hoa cúc giúp giải nhiệt hiệu quả cho những người thường xuyên có chứng nóng trong người, bị nhiệt, làm việc trong môi trường nóng bức,…
Trên quan điểm đông y, cơ thể phát ban, nổi mẩn đỏ là do nội nhiệt, trà hoa cúc có tính giải nhiệt nên được dùng để điều trị các bệnh phát ban bằng cách uống trà hoa cúc 2,3 giờ/ lần cho tới khi các vết ban biến mất hoàn toàn. Khi ban nhiệt, nên tránh ăn các loại thực phẩm cay nóng.
Nhiều thầy thuốc đông y Trung Quốc đã sử dụng trà hoa cúc như phương thuốc chữa phong hàn hoặc cảm lạnh, nhức đầu, và sốt cao. Với công dụng giải cảm, có thể phối hợp trà hoa cúc với hoa kim ngân và lá bạc hà. Cứ mỗi 2 giờ, uống 1 tách trà hoa cúc giúp làm giảm các triệu chứng cảm lạnh đáng kể.
Trà hoa cúc giúp cải thiện sức khỏe cho đôi mắt, cải thiện thị lực với người mắt mờ, tầm nhìn kém, mắt hay bị đau nhức, khô do đọc sách, làm việc nhiều bên máy tính.
Cùng với hoa kim ngân, bồ công anh, trà hoa cúc tạo nên một thức trà phối hợp giúp tiêu độc, cải thiện chức năng gan, tiêu trừ mụn nhọt, ghẻ lở, hỗ trợ điều trị các bệnh về gan cấp tính.
Trà hoa cúc có hiệu quả trong việc làm giảm các cơn co thắt tử cung trong ngày đèn đỏ, từ đó giúp làm giảm các cơn đau bụng khó chịu. Bên cạnh việc dùng trà, có thể dùng tinh dầu hoa cúc thoa lên vùng bụng dưới để làm dịu các cơn đau.
Theo nhiều nghiên cứu đã được chứng minh, trong hoa cúc có chứa chất apigenin, giúp hạn chế sự lan rộng của các tế bào ung thư và tăng hiệu quả của các thuốc điều trị ung thư. Với các nghiên cứu được tiến hành trên ống nghiệm, apigenin có khả năng chống lại các tế bào ung thư, nhất là các loại ung thư vú, da, tử cung, tuyến tiền liệt,…
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, những người uống trà hoa cúc thường xuyên (2-6 lần/ tuần) có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp thấp hơn nhóm người không sử dụng trà hoa cúc.
Vốn có tác dụng an thần, cải thiện sức khỏe hệ thần kinh, trà hoa cúc giúp người dùng có được giấc ngủ tự nhiên. Uống trà hoa cúc trước lúc ngủ giúp dễ ngủ và ngủ sâu giấc, ngon giấc hơn.
Trà hoa cúc còn có công dụng làm giảm các biểu hiện cảm cúm, cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể, tăng cường chức năng kháng khuẩn.
Do bên trong có các thành phần giúp thư giãn, tăng cường chức năng hệ thần kinh nên trà hoa cúc còn có tác dụng làm giảm đau đầu.
Cũng giống như trà xanh hay một số loại trà khác, trà hoa cúc có tác dụng trị hôi miệng, miệng khô, khó nuốt,…
Hoa cúc có nhiều loại, có thể là cúc họa mi, cúc vàng,,…nhưng dùng làm trà phổ biến nhất vẫn là trà hoa cúc trắng và vàng. Hoa cúc được thu hoạch về làm trà thường vào mùa thu khi hoa mới nở. Các bông cúc nhỏ được thu hoạch, đem rửa sạch, loại bỏ tạp chất, sau đó để chỗ khô lạnh cho héo hoặc sấy khô để sử dụng.
Trà hoa cúc có thể sử dụng hoa cúc đơn thuần, nhưng thường được phối hợp thêm với mật ong, atiso,…để tạo thành trà hoa cúc mật ong, trà hoa cúc atiso, trà hoa cúc táo đỏ,…có hương vị thơm ngon hơn.
Công thức một số cách dùng trà thông dụng:
Hoa cúc cho vào bình, tráng qua với nước ấm. Rót nước sôi, đậy nắp khoảng 3 phút cho trà ngấm. Khi dùng cho thêm mật ong. Trà hoa cúc mật ong có tác dụng làm ấm cơ thể, giảm bớt căng thẳng và cải thiện giấc ngủ.
Cho hoa cúc, cam thảo, đường phèn vào đun nhỏ lửa khoảng 5 phút, sau loại bỏ bã và lấy nước dùng dần. Trà hoa cúc cam thảo có tác dụng bổ gan sáng mắt và thanh nhiệt.
Atiso đun nhỏ lửa 45 phút, sau cho hoa cúc đun thêm 5 phút. Lấy nước dùng. Trà hoa cúc atiso giúp cải thiện chức năng tiêu hóa, giảm mỡ thừa và làm đẹp da.
Bên cạnh các loại trà trên, tùy theo công dụng, hoa cúc có thể phối hợp với hoa kim ngân, lá bạc là, táo đỏ,…
Trà hoa cúc đem lại nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, nhưng nếu sử dụng không đúng cách, đôi khi có thể vô tình gây nên những tác dụng phụ không tốt với sức khỏe.
Như nhiều loại trà khác, trà hoa cúc nên uống sau lúc ăn ít nhất 30 phút và trước khi đi ngủ ít nhất 30 phút. Có thể sử dụng trà hoa cúc thường xuyên như một thức uống thảo mộc có lợi, thay thể các đồ ngọt, đồ uống có ga thông thường, nhất là sau khi ăn các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, ăn mặn, lao động, vận động nhiều, ra mồ hôi nhiều.
Tìm mua trà hoa cúc thơm mát tại đây.
Một vài bài viết hữu ích liên quan bạn có thể tham khảo:
Hi vọng qua bài viết trên đã đưa tới bạn đọc các thông tin hữu ích về công dụng của trà hoa cúc và các lưu ý khi sử dụng. Đừng quên theo dõi chuyên mục Sức khỏe của BlogAnChoi để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích mới bạn nhé!
Mình bị mất ngủ nên hay uống trà hoa cúc 30′ trước khi ngủ nè, hiệu quả lắm á!